Tác giả: Nhạc Nhan
Phía đông kinh thành Đại Chu, có một tiệm cầm đồ khá đặc biệt nằm trên con đường xa hoa đông đúc tên là Điển Đương Hàng. Mặt tiền cửa hàng rất lớn, có cả ba gian lầu nhưng lại không có bảng hiệu, không có danh hào. Ở trên con đường này có vẻ lẻ loi trơ trọi.
Trong cửa hàng, có một chưởng quầy họ Tiền, một thầy giám định họ Tôn, hai tên sai vặt Kha Vọng và Chu Sơn. Ngoài ra, còn có một kẻ an nhàn chuyên tới đây ngắm người qua kẻ lại cộng ngủ gật – ông chủ Ngô Dung, đứng bên Ngô Dung không rời nửa bước là người hầu An Triết.
Cửa hàng buôn bán bình thường, một ngày chỉ có mấy người vào hỏi, người đồng ý cầm đồ lại càng ít. So với phường may “Khởi Tú các” bên cạnh, khách khứa lúc nào cũng đông như nước chảy, cửa hàng này quả thật vắng tới mức có thể giăng lưới bắt chim.
Chỉ có điều, người trong cửa hàng cũng không sốt ruột chút nào, bọn họ nhàn nhã ngồi uống trà nói chuyện phiếm, hoặc là nhắm mắt ngủ gật. Dù sao, mặc kệ cửa hàng lời lãi bao nhiêu thì hàng tháng bọn họ đều được lĩnh lương đúng hạn. Ông chủ không gấp, bọn họ sốt ruột gì chứ!
Mặt trời còn chưa lên cao, khách qua lại trên đường chưa nhiều. Ngô Dung ngồi ở cửa tựa lưng vào ghế trúc, trong tay cầm một ấm lô nhỏ híp mắt ngủ gật.
Cuối thu mát mẻ, thật đúng là thời tiết tốt để ngủ.
Tôn sư phụ tuổi chừng năm mươi, ông thấy ông chủ nhiều lắm cũng chỉ mới hai mươi mấy tuổi, cảm thấy vẻ mặt kia quả thật so với ông càng giống lão già rành rõi sự đời. Bởi vì đã rõ cho nên mới có vẻ không để ý mọi chuyện nên mỗi ngày mới thoải mái tự tại như thế.
Theo lời đồn, Ngô Dung là một kẻ chỉ biết sống phóng túng, ăn chơi trác táng, cho nên hắn bị cha mình – Ngô Nguyên Ngân cho ra ở riêng, chỉ cho hắn một cửa hàng mặt tiền cùng một tòa nhà ba gian, từ đó không để ý đến sống chết của hắn nữa.
Nhưng Tôn sư phụ từ lúc được thuê đến đây làm thầy giám định tới bây giờ đều không dám coi thường hay xem nhẹ ông chủ của mình.
Những người thầy giám định giống như ông nếu muốn gian lận một chút, ví dụ như đem đồ giả nói là đồ thật, sau đó thông đồng với người bán, đứng ở giữa có thể thu được rất nhiều tiền. Những người cao tay một chút có thể làm mà thần không biết quỷ không hay, cho dù chuyện có bại lộ thì bọn họ cũng có thể nói là mình nhìn nhầm.
Dù sao thầy giám định cũng là người, mà là người thì đều không tránh khỏi có lúc nhìn lầm, trong hợp đồng làm việc còn có điều khoản như thế: Nếu thầy giám định không cẩn thận nhìn sai mà không phải ông ta cố ý thì tiền tổn thất ông chủ sẽ gánh chịu, thầy giám định cũng không phải bồi thường gì.
Đương nhiên, nếu thầy giám định bị phát hiện thông đồng với người ngoài lừa gạt ông chủ, tiếng xấu truyền xa, kẻ đó về sau cũng đừng mong đến những cửa hàng này làm việc nữa.
Tôn sư phụ cả đời cẩn thận, đến mức đồng nghiệp của ông cũng phải nể phục. Mà bọn họ nói: Ngô Dung là tên ngu ngốc chỉ biết chơi bời lêu lổng, không lừa hắn thì lừa ai? Mà cũng không cần lừa nhiều lắm đâu, kiếm chút tiền dưỡng lão là được rồi.
Vì thế, có một ngày bạn của ông mang một món đồ được làm giả rất tinh vi đến cầm, Tôn sư phụ lâm vào khó xử. Lương tâm không cho phép ông làm vậy nhưng ông cũng không muốn đắc tội với bạn mình. Cuối cùng, ông đành đưa món đồ đó đến trước mặt Ngô Dung, nói ông không nhìn ra thật giả, ông chủ muốn nhận hay không? Nếu nhận thì ra giá bao nhiêu, tất cả đều theo ý ông chủ.
Lúc ấy Ngô Dung chỉ lo uống trà mà không để ý đến món đồ kia, sau khi nghe Tôn sư phụ nói xong, hắn chỉ cười nhìn ông rồi nói: “Tôi cũng không biết thật giả. Nếu biết tôi còn thuê ông làm gì? Tôi thuê ông là vì tin tưởng ông, nếu ông nói thật thì tôi mua được đồ tốt; nếu ông nói dối tôi cũng coi như tiêu tiền mua một bài học. Về sau, những chuyện như thế này không cần đến hỏi tôi, tôi chỉ quản tiền lời cuối tháng.”
Ngô Dung chẳng qua chỉ là người mới hai mươi mấy tuổi, nhưng sau khi bị hắn nhìn như có như không, ánh mắt cười như không cười, Tôn sư phụ giống như bị người ta dội lên đầu hai thùng nước đá, trời nóng mà lại thoát ra một thân mồ hôi lạnh. Ông không thể nào hình dung được ánh mắt kia lại có thể gây cho mình áp lực lớn đến thế, giống như tất cả tâm tư của ông đều không thể nào che giấu được. Đây không phải ánh mắt của một kẻ ăn chơi trác táng không biết chuyện mà nó giống ánh mắt của người đã thành thạo việc đời.
Từ đó trở đi, Tôn sư phụ không làm qua một chuyện mờ ám nào, một phần là do đạo đức nghề nghiệp không cho phép, một phần cũng do không có can đảm.
…………………….
Cửa hàng bên này rất yên tĩnh, Ngô Dung ngồi ở ghế trúc nửa tỉnh nửa mê, bỗng nhiên nghe thấy vách bên cạnh ầm ĩ, sau đó đột nhiên vang lên một tiếng khóc chói tai của phụ nữ, khiến Ngô Dung giật mình.
Người hầu của chàng – An Triết vội vàng đến trước mặt Ngô Dung nói: “Thiếu gia, không có việc gì, vách bên kia lại náo loạn đấy mà.”
Ngô Dung ngồi thẳng dậy, không còn vẻ mặt lười biếng nữa, ấm lô trong tay cũng giao cho An Triết.
Cửa hàng của chàng cùng Khởi Tú các chuyên bán đồ may sẵn kia chỉ cách nhau có một bức tường, lúc này là giờ mở cửa buôn bán, cửa nhà đều mở rộng, tiếng động từ vách bên kia truyền sang nghe được vô cùng rõ ràng.
Tiếng khóc lanh lảnh giống như một con dao nhọn, nàng kia còn vừa khóc vừa mắng: “Chị định vì tiền mà người thân máu mủ cũng không nhận hả? Nếu Trần An không vội trước vội sau bôn ba khắp chốn, việc buôn bán của chị mấy năm nay có thể thuận lợi như vậy không? Trần An mới làm sai một chút chị đã đuổi việc chàng, chị muốn chàng về nhà tự mút ngón tay à, cả nhà chúng tôi sống thế nào đây? Cho dù chị không nghĩ cho em rể Trần An, thì chị cũng phải nghĩ cho tôi chứ? Tôi là em gái ruột của chị đấy, hai đứa con trai của tôi là cháu chị, chị ăn sung mặc sướng mà lại muốn chúng tôi chết đói ư? Cửa hàng này là của cha để lại chứ không phải là tài sản riêng của chị, vậy mà chị lại muốn chiếm làm của riêng. Tôi chưa từng gặp người nào tham lam như chị! Nếu chị không cho Trần An làm việc ở đây, vậy tôi sẽ ra ở riêng. Cửa hàng này của cha trị giá không ít tiền đâu, chị phải chia lại phần cho chúng tôi!”
Tiếng phụ nữ khác nhẹ nhàng khuyên can: “Em ba, em nói ít đi một chút, lần này Trần An phạm tội lớn là thật. Thấy trời sắp chuyển lạnh, chị cả bảo cậu ta đi mua vải bông, em xem cậu ta mua về thứ gì? Không nói đến tất cả đều là hàng loại hai, mà hơn một nửa hàng đều biến vàng mốc meo, phía trên đều mốc hết, như thế làm sao may quần áo được? Mua hàng loại hai, Trần An lại tính theo giá hàng thượng đẳng, cậu ta đứng ở giữa đã ăn bớt bao nhiêu tiền rồi?”
“Thôi đi! Chị chỉ biết nói tốt cho Diệp Lăng Vũ, ai chẳng biết hai chị từ nhỏ đã thân thiết chứ? Đàn ông nhà chị không trông chờ gì được, chị muốn dựa vào Diệp Lăng Vũ thay chị nuôi chồng nuôi con nên đi khắp nơi nói tốt cho chị ta là đúng rồi. Trần An nhà tôi cho dù lần này bị người ta lừa, vậy mấy năm nay chàng không có công lao cũng có khổ lao, thế mà lại kiếm lí do đuổi việc chàng. Có người chị nào như vậy không?” Tiếng người phụ nữ kia càng cao vút.
Lại có một tiếng phụ nữ lớn tuổi nói theo: “Lăng Vũ à, không phải mẹ nói con. Đều là người nhà cả, so đo nhiều như vậy làm gì. Trần An bị người ta lừa, chính nó cũng cảm thấy đau khổ, con phạt nó một ít tiền là được, cần gì phải đuổi việc chứ? Chỗ vải bông này để mẹ đền thay nó. Làm buôn bán đều như vậy cả, đâu thể lúc nào cũng lời được? Ngày xưa cha con cũng từng bị người ta lừa đấy thôi! Còn nữa, em ba con nói cũng đúng, con đã lớn rồi, lúc nào cũng xuất đầu lộ diện cùng người khác nói chuyện làm ăn, đây cũng không phải là chuyện tốt. Mẹ đều nghĩ cho con hết rồi: em họ con tuy nhỏ hơn con ba tuổi, cũng không đồng ý ở rể nhưng thằng bé nói sinh con trai đầu lòng sẽ cho mang họ Diệp, như thế còn không được sao?”
Bên kia lại im lặng một lúc.
Làm hàng xóm đã một năm, Ngô Dung cũng hiểu tính cách của bà chủ Diệp Lăng Vũ bên cạnh. Nàng là một cô gái mạnh mẽ, cho tới bây giờ luôn tươi cười nói chuyện với mọi người, cũng chưa bao giờ cãi nhau trước bàn dân thiên hạ, huống chi những người gây chuyện đều là người thân của nàng?
Nàng nhất định sẽ im lặng đúng không? Tội gì trở thành trò cười ở trước mắt bao người?
Chỉ là… cô em ba kia lại không muốn buông tha cho nàng, tiếp tục hét lớn: “Chị nói gì đi chứ! Có phải chột dạ hay không? Chị muốn độc chiếm tài sản cha tôi để lại phải không? Tôi nói cho chị biết, Diệp Lăng Vũ! Theo lẽ thường con gái chỉ được hưởng một phần đồ cưới, còn lại tài sản trong nhà để cho con trai thừa kế. Cha trước khi lâm chung muốn chị kén rể, sinh con đều mang họ Diệp nên mới cho chị tạm thời tiếp quản Khởi Tú các. Nhưng chị không thành thân, cũng không cho phép chúng tôi giúp chị, chị rốt cuộc muốn làm gì? Cầm tiền có thể sinh con hả?”
Nàng ta lại cười lạnh một tiếng, nói: “Hay là chị muốn chiếm hết tài sản của cha? Chị cũng không chịu động não một chút, chỉ bằng tiếng tăm chị ngày nào cũng ra đường buôn bán thì có người đàn ông tốt nào muốn lấy chị chứ? Hừ! Chị lại đi thích Đặng công tử, chàng ấy tựa như thần tiên trong tranh vậy, làm sao lại để ý đến chị? Hừ! Chim sẻ lại muốn thành phượng hoàng! Lại nói, chị không muốn kén rể cũng được thôi, hai thằng bé nhà tôi cũng đã hơn một tuổi, không bằng để chúng làm cháu đích tôn, đổi thành họ Diệp là được rồi, vừa vặn có thể kế thừa sự nghiệp nhà họ Diệp.”
Lại là một khoảng lặng im khiến người ta khó chịu.
Ngô Dung nói với An Triết: “Đi, mời bà chủ Diệp qua đây, nói trang phục chúng ta đặt may mấy ngày trước có chút vấn đề, mời nàng qua xem phải sửa thế nào.”
An Triết nhìn thiếu gia nhà mình, thấy khuôn mặt chàng bình tĩnh nhưng trong ánh mắt lại có phiền chán, liền biết chàng không thích chị em bên kia tranh cãi. Là chàng muốn giải vây cho Diệp Lăng Vũ.
An Triết thông minh tuân lời, nhanh chóng chạy tới cách vách.
An Triết chào hỏi Diệp Lăng Vũ rồi mới nói: “Đúng ra không nên làm phiền cô nương, chỉ là thiếu gia nhà tôi hơi khó tính, thấy bộ cẩm bào kia có chỗ không vừa ý, cô có thể đi qua xem một chút không?”
Diệp Lăng Vũ gật gật đầu, nói: “Được, để tôi qua xem sao.”
Nàng xoay người nói với mẹ cùng em ba: “Chuyện này để về nhà nói, bây giờ mở cửa buôn bán đã, có được không?”
Nhưng em ba của nàng – Diệp Lăng Ca lại túm tay nàng, kêu: “Chị không được đi! Chị phải nói cho rõ ràng rồi muốn đi đâu thì đi!”
Diệp Lăng Vũ nhíu nhíu mày, nói: “Lăng Ca, em cũng đã làm mẹ nên hiểu chuyện một chút.”
“Tôi không hiểu chuyện chỗ nào? Phải, trước đây tôi không hiểu chuyện nên mới ngây ngốc lấy chồng sớm, nào biết cả khối tài sản này lại về tay chị chứ? Chị đừng đùa giỡn tôi nữa, coi tôi là kẻ ngốc hả? Nếu hôm nay chị không nói cho rõ ràng tôi sẽ ở đây không đi đâu hết! Lát nữa gọi em tư tới ta giải quyết một lần luôn đi!”
Diệp Lăng Vũ dừng bước, sắc mặt phức tạp mà quay lại nhìn em gái mình. Đều cùng cha mẹ sinh ra, nhưng sao em ba của nàng lại ngốc đến nước này?
Lúc trước Diệp Lăng Ca ầm ĩ đòi lập gia đình, Diệp Lăng Vũ còn tặng một phần đồ cưới thật lớn, sau này lại để chồng Diệp Lăng Ca làm việc ở Khởi Tú các. Trần An cũng là kẻ thông minh, nàng để hắn phụ trách mua bán vải dệt. Lúc đầu hắn còn thật thà, sau này lại bắt đầu ăn bớt của công. Lần này càng giỏi, mua một đống phế liệu biến vàng mốc meo, về Khởi Tú các báo cáo thu chi lại nói là hàng thượng đẳng, hắn ở giữa không biết đã ăn bớt bao nhiêu tiền rồi. Chỗ tiền đó không đưa cho Diệp Lăng Ca, ngược lại chạy đến Dương Châu chơi gái.
Một tên đàn ông khốn nạn như vậy, nếu là Diệp Lăng Vũ nàng đã bỏ quách đi cho rồi. Song không ngờ Trần An nói hai ba câu lại dỗ dành Diệp Lăng Ca, để nàng ta chạy đến nhà mẹ đẻ náo loạn.
Ngốc hết thuốc chữa! Diệp Lăng Vũ chán nản nhìn em mình, ngay cả tranh cãi cũng không muốn.
Khởi Tú các là phường may cha Diệp Lăng Vũ mở ra, khi đó làm ăn cũng tạm ổn, đủ để cả nhà không lo ăn mặc. Ông Diệp cả đời không có con trai, tuy rằng nạp một lúc mười hai tiểu thiếp, sinh được một loạt con gái, lại vẫn không có con trai. Cuối cùng ông Diệp sầu muộn đến chết, đương nhiên, cũng có thể là làm việc trên giường vất vả quá độ mà chết.
Ông Diệp mất sớm, trước khi chết giao cho con gái trưởng Diệp Lăng Vũ tìm một chàng rể ở rể, sinh con mang họ Diệp, kế thừa hương khói nhà họ Diệp.
Trước đây Diệp Lăng Vũ cũng định theo di chúc của cha tìm một chàng rể nhưng về sau nàng mới nhận ra, một chàng rể tốt đâu dễ tìm như vậy?
Tư tưởng trọng nam khinh nữ tồn tại đã lâu, mọi người rất coi trọng con trai, cho rằng chỉ có con trai mới có thể truyền thừa huyết mạch. Bởi vậy, chỉ cần là đàn ông có khí phách đều không chịu ở rể, cho dù vất vả khổ cực thế nào họ cũng phải cưới được vợ về nhà. Đỉnh môn lập hộ, thế này mới gọi là nam tử hán đại trượng phu!
Ở rể trở thành người nhà gái? Vậy còn ra thể thống gì chứ, là tiểu bạch kiểm ăn bám sao?
Thời đại này ai cũng nghĩ như vậy.
Thế nên, Diệp Lăng Vũ rất khó tìm được một người chồng như ý. Người chịu ở rể hơn một nửa là tên côn đồ hết ăn lại nằm, mà người nàng để ý…. Chàng giống như phượng hoàng, không chỉ có bề ngoài vô cùng tuấn mĩ, mà chí hướng cũng cao như vậy, làm sao chàng có thể chịu thiệt lấy cô gái bình thường nhà họ Diệp này chứ?
Cứ như vậy, Diệp Lăng Vũ tuổi ngày càng lớn, năm nay đã là cô gái lỡ thì tuổi quá hai mươi, mà vẫn chưa tìm được người chồng thích hợp. Nhưng nàng vẫn luôn kiên cường giữ vững Khởi Tú các cha để lại, trong đó rất nhiều gian khổ, nàng cũng không thể nói rõ với người ngoài.
Sau khi cha qua đời, đầu tiên Diệp Lăng Vũ xử lí những tiểu thiếp của cha: người nào còn trẻ mà chưa sinh con sẽ cho họ tái giá. Người nào đã có con gái, muốn ở lại nhà họ Diệp dưỡng lão, nàng cũng không đuổi những người đó đi mà nuôi dưỡng họ chu đáo. Chờ các em lớn lên, cũng cho các em sính lễ về nhà chồng. Mặc kệ ra sao, đây đều là máu mủ cha để lại.