- Trang chủ
- Tố Hoa Ánh Nguyệt
- Chương 22: Nhớ nàng nhớ mãi chẳng phai
Tác giả: Xuân Ôn Nhất Tiếu
Trương Khế cũng lên tiếng hỏi:
- Trọng Khải, tên viện này có hàm nghĩa gì không?
Trương Mại thần sắc bình tĩnh:
- Cô cô có điều không biết, năm xưa khi mới tu bổ viện này đúng lúc trong viện có vải được đưa đến nên mới gọi là Tân Lệ Viên. Về sau không biết tại sao lại đổi tên thành Tẩm Viên. Con chẳng qua là đổi lại tên cũ thôi, chứ không có hàm nghĩa gì cả.
Trương Khế tin là thật:
- Hóa ra là có chuyện như vậy.
Bà vui vẻ lên kế hoạch:
- Chuyện này rất thú vị, cô cô sẽ viết thư kể cho mẫu thân con nghe.
A Du tính tình hoạt bát, thích nghe những chuyện mới mẻ thú vị. Tân Lệ Viên là tên ban đầu, đổi tới đổi lui lại đổi về tên cũ, đây cũng xem như là một việc ít người biết đến.
Trương Mại sờ sờ mũi, kể với mẫu thân? Bà ấy không có dễ dụ như cô cô đâu. Nhưng mình cũng không tiện nói gì, thôi thì mặc kệ cô cô hăng hái viết thư đi. Biết thì biết, dù sao cũng là mẫu thân, cùng lắm là cười nhạo mình hai ba câu thôi.
Đến hai mươi tám tháng chạp, việc sửa soạn cho năm mới đều đã đâu vào đó, tiệc rượu tất niên cũng đã lên danh sách khách mời đầy đủ. Ngoại trừ nữ chủ nhân vẫn còn bận rộn thì những người còn lại đều nhàn rỗi. An Hiệp đưa thiệp mời qua cho A Trì: “Nhờ tỷ sang chỉ giáo việc phân loại sách”, A Trì hưng phấn đưa thiệp cho Lục Vân xem:
- Mẹ, tai họa của người ta là ở chỗ thích làm thầy người khác (một câu nói nổi tiếng của Mạnh Tử, nguyên văn là “nhân chi hoạn tại hảo vi nhân sư”), con cũng không ngoại lệ.
Vừa nghe có người muốn khiêm tốn thỉnh giáo mình, cảm giác thật là lâng lâng phơi phới.
Lục Vân trong lúc bận rộn gật đầu:
- Đi đi, đem nhiều người hầu theo một chút, nhớ đi đường cẩn thận.
A Trì rạng rỡ:
- Dạ, con đi đường nhất định cẩn thận.
Làm gì có đường nào, ra khỏi cửa nhà chúng ta là tới cửa Tây Viên rồi, sát bên mà.
Từ Thuật, Từ Dật nãy giờ bám theo phụ thân cũng chạy tới:
- Tỷ, tụi đệ cũng đi nữa!
Tụi đệ đi chiêm ngưỡng đại bàng. Lục Vân cười nói:
- Hai con nếu đi thì chính là khách không mời mà đến.
A Trì được mời nhưng hai đứa A Thuật, A Dật các con thì không có được mời.
A Trì thấy Từ Thuật, Từ Dật có vẻ hậm hực thì trong lòng không nỡ, vừa định mở miệng nói thì bị Lục Vân ngăn lại:
- Để cho tụi nó tự nghĩ cách.
Ở nhà được phụ mẫu huynh tỷ cưng chiều nhưng khi ra ngoài hoặc sau khi lớn lên không lẽ cũng có người cưng chiều tụi nó mọi nơi mọi lúc? Việc gì cũng đều phải tự lập, tự chủ.
Con ngươi Từ Dật đảo đảo:
- Mẹ, con viết lá thư gửi cho Trương đại ca thăm hỏi đại bàng. Trương đại ca xem thư thì biết ngay là con nhớ đại bàng.
Từ Thuật lớn hơn nó hai tuổi nên suy nghĩ cũng chu đáo hơn:
- Đại bàng thích ăn thịt, con sai người đưa thịt tươi qua, nhân tiện thăm hỏi đại bàng.
Lục Vân không vội phán xét đúng sai mà mỉm cười nhìn hai tiểu nhi tử, mặc cho bọn chúng giảng giải, tranh luận biện pháp của mình. Đang nói chuyện thì có thị nữ đến báo là Tây Viên đưa thiệp mời tới. Lấy xem thì ra là Trương Mại mời Từ Thuật, Từ Dật qua phủ chơi.
Từ Thuật, Từ Dật reo hò:
- Trương đại ca quả là khéo hiểu lòng người!
Chúng ta vừa vắt óc suy nghĩ tìm biện pháp thì thiệp mời của huynh ấy đã đưa tới rồi. Lục Vân khẽ mỉm cười, tự tay giúp nữ nhi và hai tiểu nhi tử phủ thêm áo choàng ấm áp, rồi sai người chuẩn bị ba chiếc kiệu nhỏ và một vài thị nữ tôi tớ sang Tây Viên.
Đến cổng Tây Viên thì đã có quản sự, bà tử đợi sẵn, dẫn họ đến nhà trên. Trong nhà trên chỉ có hai mẫu tử Trương Khế và An Hiệp, Trương Khế tiếp đãi tỷ đệ Từ gia rất nồng nhiệt:
- Đứa trẻ ngoan, ở đây cứ xem như nhà mình, muốn ăn gì chơi gì cũng đừng khách sáo.
Nhóm người A Trì đều cười đáp ứng:
- Dạ, nhất định không khách sáo với người đâu ạ.
An Hiệp đứng lên:
- Mẹ, lão gia tử và nhị biểu ca đang ở Tân Lệ Viên chờ tụi con, tụi con bây giờ đi qua đó.
Nói rồi quay đầu lại giải thích với A Trì:
- Từ tỷ tỷ, chúng ta trước tiên tới Tàng Thư Các xem thử, sau đó thì nhị biểu ca sẽ dẫn hai đệ đệ đi xem đại bàng.
A Trì gật đầu, Từ Thuật, Từ Dật hai mắt sáng lên, đại bàng ơi, ta tới đây!
Đến Tân Lệ Viên, cả nhóm người trực tiếp đi thẳng vào sương phòng. An Hiệp hỏi Từ Thuật, Từ Dật:
- Lão gia tử và nhị biểu ca đều ở nhà trên, hai đệ theo chúng ta hay là đi tìm nhị biểu ca?
Hai đứa nhóc ưỡn ngực lên nói:
- Cái này còn phải hỏi sao, nam nhân dĩ nhiên là phải ở chung với nam nhân rồi!
An Hiệp và A Trì đều cười cười, nhìn bộ dạng trẻ con mà ra vẻ người lớn này, thật là buồn cười. An Hiệp liếc nhìn A Trì, A Trì gật đầu, thị nữ bên cạnh rất thông minh, liền khuỵu gối nói:
- Hai vị thiếu gia mời đi theo nô tỳ.
Rồi dẫn Từ Thuật và Từ Dật đến nhà trên.
A Trì hỏi:
- Hiệp nhi, món cá nướng mấy hôm trước ăn rất ngon, không biết có bí quyết gì không?
An Hiệp giống với cha nàng ở chỗ đối với chuyện y phục, ăn uống không mấy để tâm:
- Có gì đâu, lát nữa gọi đầu bếp tới hỏi chút là biết. Đợi hỏi rồi thì muội viết lại đưa cho tỷ.
A Trì cười hì hì đa tạ, dĩ nhiên là tốt, bí quyết nấu ăn luôn là món đồ tốt.
Tiểu nha đầu ân cần vén rèm lên, Từ Thuật, Từ Dật đi đến, oai phong chắp chắp tay về phía hai người:
- Tại hạ lần này đến đây, là phụng sự đưa tin.
Nói rồi đem một tờ giấy Tuyên Thành cứng, sạch sẽ đặt trước mặt A Trì:
- Tỷ, đây là Trương đại ca thỉnh giáo tỷ.
Trên mặt giấy trắng tinh là những hàng chữ khải cứng cáp cẩn thận, hơi có phong cách cổ xưa. A Trì xem thư, Từ Dật ở bên cạnh bổ sung:
- Tỷ, Trương đại ca còn muốn đặc biệt xây một mỹ thực quán, gom góp các bí quyết nấu ăn khắp thiên hạ về, đến lúc đó tỷ nhất định sẽ tới mượn đọc. Dù sao tỷ cũng muốn dùng nên cứ dứt khoát làm phiền tỷ luôn.
Từ Thuật kéo kéo hắn:
- Tỷ là người rất cao thượng, khỏi cần đệ nói.
A Trì nhấc bút lên, tinh tế viết thư trả lời, rồi giao cho bọn đệ đệ. Từ Thuật khen ngợi:
- Xinh đẹp đa dạng, rõ ràng mà thanh tú, đúng là chữ tốt!
Từ Dật cũng không chịu yếu kém:
- Ngay ngắn rõ ràng, nói đúng trọng điểm, đúng là có kiến thức!
Nịnh nọt xong thì hai đứa vui vẻ cầm lấy giấy Tuyên Thành mà đi.
An Hiệp cảm thấy thích thú:
- Từ tỷ tỷ, lệnh đệ thật là hoạt bát.
Còn nhỏ tuổi như vậy mà biết nói những lời ngon tiếng ngọt rồi. A Trì cũng cười:
- Hiệp nhi muội là con út nên không có đệ đệ muội muội để bận tâm, nếu muội mà có hai đệ đệ giống như tỷ thì có việc để làm rồi.
Hai người vừa nhàn nhã nói chuyện vừa uống trà, vô cùng thích ý. Một lát sau, Từ Thuật, Từ Dật mang vẻ tươi cười tới:
- Tỷ, Trương đại ca lại làm phiền tỷ.
Rồi lại đem một tờ giấy Tuyên Thành đặt ở trước mặt A Trì.
An Hiệp hơi nhíu mày lại, nhị biểu ca thế này là không tin mình sao, chuyện gì cũng muốn tự làm, còn đích thân thỉnh giáo Từ tỷ tỷ nữa. Bộ mình đần lắm hay sao, ngay cả truyền lời cũng truyền không rõ?
Đợi tới khi Từ Thuật, Từ Dật tới “thỉnh giáo” lần thứ ba, An Hiệp không nhịn được mà suy nghĩ nhiều. Nhị biểu ca làm sao thế này, dường như rất coi trọng ý kiến của Từ tỷ tỷ. Huynh ấy trước giờ đâu có vậy đâu, ngoại trừ A Đồng và các biểu tỷ muội trong nhà ra, còn lại những cô nương khác huynh ấy đều không thèm để ý tới mà.
Buổi tối An Hiệp nhẹ nhàng nói với An Ký, An Ký khóe miệng hơi nhếch lên:
- Trọng Khải mỗi ngày đều bận việc quân vụ, khó có khi yên tĩnh mà bố trí Tân Lệ Viên, vì vậy mà để tâm một ít cũng không có gì lạ.
An Hiệp suy nghĩ một lát:
- Dạ, có lẽ vậy.
Ở bên Từ gia thì náo nhiệt hơn nhiều.
- Trương đại ca dẫn tụi con đi xem đại bàng, đại bàng bay ở trên trời thật là oai phong, làm người ta cứ nhìn mãi.
- Trương đại ca dẫn tụi con đi xem Đại thánh di âm, cha, mẹ, Đại thánh di âm không giống Cửu tiêu hoàn bội đâu, là kiểu Thần Nông, đẹp nguy nga tráng lệ.
Từ Thuật, Từ Dật khi kể về hành trình ở Tây Viên thì tươi cười hớn hở.
Lục Vân trìu mến nhìn ấu tử:
- Đi làm phiền người ta hoài mà không thấy xấu hổ.
Hàng xóm là hàng xóm nhưng chủ nhân Tây Viên người ta cũng không phải là người trông trẻ. Từ Thuật, Từ Dật không phục:
- Tụi con cũng giúp đỡ mà! Trương đại ca muốn thỉnh giáo tỷ tỷ cách cất giữ phân loại sách như thế nào, là tụi con giúp đưa thư, làm người đưa tin đó.
Tụi con không phải là chỉ biết gây phiền phức đâu, tụi con cũng làm việc đó!
Từ Sâm ngoắc hai ấu tử lại, tỉ mỉ hỏi về hành trình ở Tây Viên:
- Lão công công và Trương đại ca con ở nhà trên, còn An gia tiểu cô nương và tỷ tỷ con ở sương phòng? Hai đứa con thì giúp họ đưa thư?
Từ Thuật, Từ Dật gật đầu:
- Dạ đúng ạ.
Nói rồi đắc ý giơ bàn tay nhỏ lên, trên tay là một chiếc nhẫn cổ ngọc màu xanh biếc cực kỳ bắt mắt:
- Nhìn nè, rất hợp đúng không? Là Trương đại ca đeo cho tụi con đó, nói hai đứa con giúp đỡ Trương đại ca nên Trương đại ca tặng chúng con chơi.
Nhẫn cổ ngọc không hề quý hiếm nhưng nhẫn cổ ngọc thích hợp cho hài tử đeo thì không hề phổ biến. Từ Thuật, Từ Dật còn nhỏ nên ngón tay cũng nhỏ, chiếc nhẫn ngọc này được chế tác vô cùng tinh xảo, nhìn rất đáng yêu.
Từ Sâm và Lục Vân đều mỉm cười khen vài câu, đồng thời liếc mắt nhìn nhau. Bình Bắc hầu phủ này quả đúng là cưng chiều hài tử, lúc Trương Mại mới bảy tám tuổi đã đặc chế làm nhẫn cổ ngọc để đeo rồi. Cái này cùng lắm là đeo được một năm nửa năm là nhỏ đi rồi.
Từ Tốn chậm rãi nói:
- Bình Bắc hầu phủ nuôi dạy hài tử không giống với nhà người bình thường. Cha, mẹ, chủ nhân Tây Viên khi còn nhỏ có một phòng tranh đặc biệt, huynh ấy có thể ngồi dưới đất xem sách tranh, cũng có thể lấy thuốc màu tùy ý vẽ loạn trên vách tường hay trên ván gỗ. Bình Bắc hầu và phu nhân trước giờ đều không trói buộc huynh ấy.
Từ Sâm trầm mặc chốc lát, rồi hỏi:
- Phu nhân, chúng ta mời Quý thị lang đến uống rượu tất niên là ngày nào vậy?
A Tốn từ hôm ở Tây Viên về thì cứ hữu ý vô ý nhắc tới vài lần “theo quy củ của Bình Bắc hầu phủ, nam tử sau hai mươi ba hai mươi bốn tuổi mới được thành thân”. Nếu nhi tử trước sau vẫn mang ý này thì người làm cha mẹ tội gì phải ép buộc nó.
Lục Vân ngừng một chút rồi từ từ nói:
- Là ngày mười tháng giêng.
Mời uống rượu tất niên càng là người thân thiết thì mời càng sớm, nếu là người bình thường ít qua lại thì mời sau. Từ gia và Quý gia tuy có qua lại nhưng cũng không thân thiết.
Từ Sâm chậm rãi nói:
- Đổi thành ngày mồng ba đi.
Mồng ba là ngày nữ nhi lại mặt, Từ gia và Quý gia đều có khuê nữ chưa lấy chồng nên ngày này nhất định là nhàn rỗi. Lục Vân vẻ mặt vẫn như thường:
- Được, vậy đổi thành ngày mồng ba.
Vào đêm giao thừa, toàn bộ Từ phủ và Tây Viên đều thay câu đối mới, môn thần, bảng tên, lớp sơn mới, muôn hình vạn trạng, rạng rỡ hẳn lên. Từ cửa lớn cho đến chính đường, rồi từ cửa chính dọc theo hai bên đều treo những chiếc đèn lồng đỏ thắm, nhìn giống như hai con kim long vậy.
Đêm nay, cả phủ đèn đuốc sáng rực, tiếng người ồn ào, huyên náo suốt đêm, mọi người từ trên xuống dưới đều mặc trang phục màu sắc rực rỡ, hoặc nói chuyện, hoặc cười đùa, hoặc thi đốt pháo, người nào gặp nhau cũng nói “chúc mừng năm mới”, vô cùng náo nhiệt.
Trương Mại tựa vào giường, đọc thư của mẫu thân. Sớm đoán được sẽ bị chê cười, quả nhiên, ở trong thư Du Nhiên trêu chọc Trương Mại “Nhi tử, con xác định là lúc đó trong viện có vải mới được đưa đến, chứ không phải là chủ nhân của viện thấy một tiểu mỹ nhân có làn da như trái vải, khiến cho tim đập thình thịch?”
Mẫu thân đại nhân thật là không phúc hậu. Trương Mại cười cười, cẩn thận gấp tờ giấy Tuyên Thành lại, để ở một bên. “Mỗi phùng giai tiết bội tư thân”*, mẹ có hiểu không? Con nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ đại ca và A Đồng, ông ngoại và bà ngoại, lại không thể trở về đoàn tụ với mọi người, mẹ còn cười nhạo con nữa.