- Trang chủ
- Tố Hoa Ánh Nguyệt
- Chương 44: Gặp người quân tử trong lòng
Tác giả: Xuân Ôn Nhất Tiếu
Nếu trong đại gia tộc quy củ nghiêm cẩn thì nữ tử sắp cập kê như A Trì từ lâu đã được đối đãi như đại cô nương nhưng Lục Vân từ sau khi đến Nam Kinh quen với cuộc sống cả nhà thoải mái, Từ Sâm người làm chủ gia đình thì tính tình đạm bạc lại có chút không theo khuôn phép, cho nên quản lý con cái cũng không nghiêm khắc, rộng rãi vô cùng. A Trì tuy đã là thiếu nữ thanh xuân duyên dáng yêu kiều nhưng trong mắt phụ mẫu vẫn là một tiểu cô nương, cần được người lớn yêu thương, cưng chiều.
Tiểu cô nương được người khác yêu thương kia ngồi lên kiệu, tỷ muội Trần Lam, Trần Đại mỗi người một bên, dáng vẻ uyển chuyển nhưng tư thế hiên ngang, Bội A và Tri Bạch theo sau đều cực kỳ hâm mộ. Đặc biệt là Bội A, thường ngày luôn tự nhủ sẽ làm một đại nha đầu lão luyện thành thục, là trợ thủ đắc lực của đại tiểu thư, khi so sánh với hai người trước mắt này thì như “châu ngọc ở bên, thấy mình xấu xí”.
Kiệu được đưa thẳng đến Tân Lệ Viên. Bội A, Tri Bạch được mời đến trắc gian nghỉ ngơi, An Hiệp theo A Trì đến nhà chính:
- Ngũ cữu cữu, ngũ cữu mẫu và cha mẹ muội đều ra ngoài rồi, sư công lão nhân gia luôn đến vô ảnh đi vô tung, hiện trong nhà chỉ còn có mình muội.
Trần Lam đứng thẳng, mặt không biểu cảm. Hầu gia và phu nhân ra ngoài, cô phu nhân và cô lão gia cũng ra ngoài, lão gia tử chẳng biết đi đâu, cho nên trong nhà chỉ còn lại có mình tiểu thư? Còn nhị công tử nhà ta đâu, công tử mới là chủ nhân của Tây Viên.
An Hiệp hơi đắc ý dẫn A Trì tham quan Tàng Thư Các:
- Từ tỷ tỷ, đây là một tay muội làm đó. Lão gia tử vốn định giao cho nhị biểu ca, nhưng nhị biểu ca quân vụ bận rộn, làm gì có thời gian? Nên liền nhờ muội.
A Trì mỉm cười. An Hiệp dù có ra vẻ lão luyện thế nào thì rốt cục cũng chỉ là một tiểu cô nương mới mười hai tuổi, được quan sát và toàn quyền chỉ huy việc xây lại Tân Lệ Viên, cải tạo công trình, làm nàng cảm thấy rất có thành tựu.
- Từ tỷ tỷ, đây là Mỹ thực quán.
An Hiệp biết A Trì có hứng thú với việc ăn uống, liền đặc biệt chỉ cho nàng xem:
- “Thực trân lục” của Nam Bắc triều, “Tạ phúng thực kinh” của thời Tùy, “Thiêu vỹ thực đơn” của Vi Cự Nguyên thời Đường, “Thanh dị lục” của Đào Cốc người Bắc Tống, “Sơn gia thanh cung” của Lâm Hồng Nam Tống, còn có “Bản tâm trai thực phổ” của Trần Đạt Tẩu, các danh tác tập hợp lại, tạo nên sự lộng lẫy về mĩ thực.
A Trì vô cùng tán thưởng:
- Rất thú vị, sau này tỷ sẽ thường qua mượn đọc.
Đương nhiên không phải có thực đơn là có thể làm ra món ngon, nhưng có lý thuyết hướng dẫn, việc thực hành sẽ có phương hướng. Không phải mỗi đầu bếp đều có trí tưởng tượng và sức sáng tạo phong phú, muốn làm ra mĩ thực cần phải có kinh nghiệm dày dặn để phát hiện và khám phá.
A Trì tiện tay mở một quyển “Thực kinh”, ‘phi loan khoái’, ‘tích lũ kê’, ‘canh tiễn vân chước ngư’, ‘bánh thiên kim toái hương’, ‘bánh càn chích mãn thiên tinh hàm tương’, ‘bánh toát cao xảo trang đàn dạng’, chỉ nhìn tên món ăn, liền cảm thấy ăn nhất định rất ngon. (mấy món này đặt tên trừu tượng quá, mình không dịch được, nên cứ để nguyên văn)
Cạnh giá sách đặt một cái bàn gỗ lim lớn có ghế dựa thoải mái, trên bàn đặt bút, nghiên, giấy, mực, trà nước điểm tâm. An Hiệp là một tiểu chủ nhân lễ nghi chu đáo, mời A Trì ngồi xuống, đặt mấy quyển sách dạy nấu ăn trước mặt nàng:
- Tỷ tỷ trước tiên tự mình xem một lát, muội đi chút liền về.
A Trì bình tĩnh ngẩng đầu:
- Không cho Hiệp nhi đi, ở lại đây với tỷ.
Mặt An Hiệp khổ sở, tiếp đó nàng nhanh trí, đưa tay lên che bụng:
- Tỷ tỷ tốt, muội đau bụng, phải đi nhà xí.
Nói rồi chạy đi nhanh như chớp.
Tiểu nha đầu này! A Trì lắc lắc đầu, tiếp tục hứng thú xem sách dạy nấu ăn. Sách này viết quả thực có trình độ “bột cao lương vê thành hình tròn, thêm chút đường mía, bỏ vào trong nước, mùi vị ngọt thanh mà thơm ngon”, làm người ta xem mà chảy nước miếng.
Mùi hương thơm phức tỏa ra, một đĩa bánh đậu cuốn nho nhỏ màu trắng đặt trước mặt A Trì. Nàng ngẩng đầu lên thấy một chàng thanh niên mặc cẩm bào màu đen đứng đó, ánh mắt thâm trầm, miệng mang ý cười, chính là chủ nhân của Tây Viên – Trương Mại.
Trong đĩa đặt một cái muỗng nhỏ bằng bạc tinh xảo, A Trì nhìn Trương Mại, lại nhìn nhìn bánh đậu cuốn màu trắng, điểm tâm này là vị đầu bếp cao minh nào làm? Trước không nói mùi vị ngon hay không nhưng nhìn bề ngoài rất đáng yêu.
Nàng để sách dạy nấu ăn xuống, cầm lấy muỗng nhỏ, đưa bánh đậu cuốn vào miệng. Ừm, mềm mịn tinh tế, thơm ngọt ngon miệng, quả nhiên là ăn ngon. A Trì vẻ mặt say mê, sắc hương vị đều đủ, đúng là hưởng thụ.
Trương Mại ngồi đối diện trước mặt nàng, mê mẩn nhìn nữ tử đang chú tâm ăn. A Trì do dự hỏi:
- Huynh, muốn ăn sao?
Trương Mại dịu dàng cười:
- Điểm tâm đẹp mắt như vậy, chỉ có nàng mới xứng ăn.
Khuôn mặt A Trì ửng đỏ, tiếp tục miệt mài ăn. Trương Mại dịu dàng nói:
- Hiệp nhi nói nàng thích những món ăn xinh xắn, bánh này là vì nàng mà làm. Ta mỗi ba năm sẽ có một kỳ nghỉ, sau này sẽ dẫn nàng đi ăn từ Giang Nam đến Tái Bắc, có được không? Mỹ thực khắp thiên hạ có rất nhiều, chúng ta đều đi ăn hết.
A Trì chậm rãi ăn điểm tâm, không nói lời nào. Đĩa này là đĩa Nhữ Dao màu xanh, màu sắc rất trơn rất thấm, không có bất kỳ hoa văn nào, đơn giản mà tao nhã, giản dị mà thuần khiết. A Trì tỉ mỉ đánh giá cái đĩa, nhìn rất nhập tâm.
- Gia phụ gia mẫu đã nhờ Quý gia cữu mẫu đến quý phủ đề thân.
Giọng nói của Trương Mại tuy nhỏ nhưng trong trẻo kiên định:
- Chúng ta về sau vẫn ở Tây Viên, được chứ? Cùng lệnh tôn lệnh đường làm hàng xóm.
Đây………là cầu hôn? Khuôn mặt A Trì càng đỏ:
- Cái đó, ta không phải chỉ nhìn huynh một chút thôi sao? Là lão gia gia cho ta xem vật hiếm lạ, ta cũng đâu có ý gì khác.
- Ta biết.
Trương Mại nhẹ nhàng cười:
- Cho dù thế nào, tóm lại, nàng nhìn ta, ta nhất định phải nhìn lại, như vậy mới công bằng hợp lý, có qua có lại, đúng không? Cũng không cần lâu quá, cả đời là đủ rồi.
Bên tai A Trì dường như vang lên tiếng nhạc du dương, say sưa, vui vẻ. Người này thật biết nói lời ngon tiếng ngọt, là gia đình có truyền thống hiếu học nổi tiếng đây sao? Không giống lắm. Cha hắn Bình Bắc Hầu Trương Tịnh trầm tính ít nói, dường như là kiểu người không thích nói chuyện mà.
Trần Lam nhẹ nhàng đi tới. Trương Mại nhàn nhạt nhìn sang, ai cho phép ngươi vào? Không biết quan sát. Trần Lam cung kính hành lễ:
- Nhị công tử, Từ đại nhân đích thân sang đón đại tiểu thư, sắp đến Tân Lệ Viên rồi.
Ngài còn ở đây chẳng phải là sẽ bị tóm sao.
Trương Mại sờ sờ mũi. Bá mẫu đối với Tây Viên vẫn tín nhiệm, nhưng bá phụ hình như không yên tâm, nếu không sao lại tự thân xuất mã đến đón A Trì? Buổi tối thỉnh giáo phụ thân, xem làm sao để lấy lòng bá phụ mới được.
Khuôn mặt nhỏ nhắn của An Hiệp đi tới, bộ dạng rất nghiêm túc thật tình:
- Nhị biểu ca sao lại ở đây, huynh không phải đến ngoại thành luyện binh sao? Huynh không cần tiếp khách thay muội đâu, nhanh đi bận rộn chuyện của huynh đi.
Rồi lại quay đầu về phía A Trì xin lỗi:
- Xin lỗi xin lỗi, tỷ tỷ tốt, lúc nãy muội đau bụng dữ quá, đến giờ mới ổn.
Khi Từ Sâm đến Tân Lệ Viên, An Hiệp cùng A Trì đang ngồi đối diện nhau, trên bàn của An Hiệp để quyển “Sơn hà chí”, “Hà cừ thư”, còn trên bàn của A Trì để sách dạy nấu ăn và các thực đơn, nhìn rất hấp dẫn.
Thấy Từ Sâm đi vào, A Trì và An Hiệp đều đứng dậy chào, khuỵu gối hành lễ. A Trì vui vẻ kéo phụ thân qua, chỉ cho ông nhìn món “la phục diện”:
- Phụ thân, chúng ta về làm thử nhé? Nhìn có vẻ ăn rất ngon.
Từ Sâm cưng chiều nhìn nữ nhi bảo bối, mỉm cười đồng ý:
- Được, nói với mẹ con, để bà ấy dặn đầu bếp làm.
An Hiệp kéo tay A Trì:
- Gia phụ, gia mẫu, cữu cữu, cữu mẫu, lão gia tử, nhị biểu ca tất cả họ đều không ở nhà, chỉ có Từ tỷ tỷ chơi với con. Bá bá ngài đón tỷ tỷ về, sẵn dẫn con theo luôn nhé, ở một mình chán lắm.
Từ Sâm cười đáp ứng, mang theo An Hiệp và A Trì về Từ phủ. Lục Vân thấy An Hiệp cũng tới thì cười nói:
- Hai đứa con tình cảm thật tốt, tách ra không được.
Rồi dặn dò An Hiệp:
- Con ngoan, cứ xem như nhà mình, đừng xa lạ khách sáo.
An Hiệp gật đầu:
- Bá mẫu, con không khách sáo đâu.
A Trì nghĩ đến món ‘la phục diện’, liền nói với Lục Vân:
- Mẹ tìm phương pháp nấu đi, chúng ta cùng thưởng thức.
Lục Vân vỗ vỗ gương mặt nhỏ nhắn của nàng:
- Được, mẹ đi tìm phương pháp.
Từ tỷ tỷ thật đáng thương, lớn như vậy mà còn bị vỗ vào mặt, An Hiệp trong lòng rất đồng tình. Lục Vân vỗ A Trì xong thì ‘a’ một tiếng:
- Khuê nữ, mặt con sao đỏ vậy.
A Trì bĩu môi:
- Bị mẹ vỗ mà.
Lục Vân phì cười:
- Nha đầu này.
Mẹ vỗ nhẹ hều mà mặt con cũng đỏ?
An Hiệp rất bình tĩnh:
- Bá mẫu, tỷ tỷ nếu ngồi lâu trong phòng thì mặt liền đỏ, cái này giống hệt với A Đồng biểu tỷ.
Lục Vân trong lòng chợt động:
- A Đồng biểu tỷ con là tiểu muội muội của Trọng Khải phải không? Ngũ cữu cữu và ngũ cữu mẫu con chỉ có một nữ nhi này, nhất định là vô cùng cưng chiều.
An Hiệp lễ phép gật đầu:
- Dạ, bá mẫu nói rất đúng. Cả nhà ngũ cữu cữu đều xem A Đồng biểu tỷ như bảo bối, ông ngoại bà ngoại lại càng đặc biệt cưng chiều tỷ ấy. Nếu ngũ cữu mẫu muốn trách mắng thì ông ngoại bà ngoại cũng không cho.
Nói xong, có lẽ sợ Lục Vân và A Trì nghe không hiểu, An Hiệp rất nhiệt tình giải thích:
- Mẹ con thường dẫn con đến nhà ngũ cữu cữu, ông ngoại bà ngoại của đại biểu ca nhị biểu ca, huynh muội tụi con cũng gọi theo là ông ngoại bà ngoại.
Lục Vân cười hì hì nói:
- Người gọi ngoại tổ phụ ngoại tổ mẫu thì nhiều nhưng gọi ông ngoại bà ngoại thì ít, cách xưng hô này rất độc đáo. Ông ngoại bà ngoại nghe thân thiết, rất có không khí gia đình.
An Hiệp nho nhã lễ phép:
- Bá mẫu nói quá đúng. Đại biểu ca nhị biểu ca bọn họ nếu trở về Mạnh gia thì sẽ gọi ngoại tổ phụ ngoại tổ mẫu, ở Bình Bắc Hầu phủ mới gọi ông ngoại bà ngoại.
Ông ngoại bà ngoại là cách xưng hô trong nhà, rất có không khí gia đình.
Lục Vân tất nhiên hiểu, huynh muội Trương gia nếu về Mạnh gia thì sẽ gọi Mạnh Lại là “ngoại tổ phụ”, gọi đích thê Chung thị của Mạnh Lại là “ngoại tổ mẫu”. Còn ở Bình Bắc Hầu phủ thì hoàn toàn khác.
Lục Vân cười nói:
- Ông ngoại bà ngoại đều thương yêu hài tử. Đa phần tổ phụ tổ mẫu cũng thương yêu hài tử như vậy. Tục ngữ có câu cách thế hệ thì thân thiết quả không sai. Hiệp nhi, ông ngoại bà ngoại có phải ngay cả con cũng rất thương yêu không?
An Hiệp thật tình nhìn về phía Lục Vân:
- Bá mẫu thật lợi hại, đều đoán đúng hết. Ông ngoại bà ngoại quả thực ngay cả con cũng rất thương yêu, ông ngoại tự cầm tay dạy con viết chữ, bà ngoại thì đích thân may xiêm y cho con.
An Hiệp là một tiểu cô nương thanh cao, nhưng một khi dò trúng đài cũng nói rất nhiều:
- Bà ngoại may xiêm y rất đẹp, hồ điệp bà thêu nhìn cứ y như thật, tưởng chừng có thể bay được. Nhưng bà ngoại không cho con nói với người khác xiêm y là do bà thêu, cũng không cho con gọi bà là bà ngoại trước mặt người khác.
- Tại sao vậy?
Lục Vân tò mò hỏi.
An Hiệp lắc đầu:
- Con cũng không rõ lắm. Bà ngoại luôn ở trong nhà, trừ người nhà ra, ai bà cũng không gặp. Bà rất dịu dàng, rất hiền từ, ở chung với bà rất dễ chịu. Ban đầu chúng con gọi bà là bà ngoại, bà không cho, chúng con cũng mặc kệ, cứ gọi, bà liền hết cách với chúng con.
Xem ra, vị bà ngoại này không hung hăng lớn lối, tính tình hiền lành. Lục Vân âm thầm đưa ra kết luận.
- A Đồng biểu tỷ con, nghe nói là một đại mỹ nữ, đáng tiếc không có duyên gặp.
Lục Vân bâng quơ nói.
An Hiệp ít khi nói nhiều như thế, nàng nâng chung trà lên nhấp một ngụm trà nóng:
- Muốn nhìn A Đồng biểu tỷ, cứ nhìn ngũ cữu mẫu là được. A Đồng biểu tỷ giống như bản sao của ngũ cữu mẫu, ngoại hình giống, tính cách cũng giống, ngũ cữu cữu hay gọi tỷ ấy là ‘tiểu A Du’.